Tìm kiếm
Gửi 100 tỉ, bảo hiểm 50 triệu là vô lý 8/9/2012 3:14:03 PM Chỉ bảo hiểm đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam và đối tượng chỉ là cá nhân; tổ chức bảo hiểm tiền gửi thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... cũng là những vấn đề chưa thuyết phục các đại biểu Quốc hội.


Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại buổi thảo luận tổ về Luật bảo hiểm tiền gửi - Đó là bất hợp lý được các đại biểu Quốc hội nêu ra tại buổi thảo luận về dự án Luật bảo hiểm tiền gửi sáng 3-11. Ảnh: Việt Dũng



Trước khi thảo luận về nội dung dự thảo luật, đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) - chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng VN, chủ tịch HĐQT Vietinbank - cho hay: “Hiện nay tính rủi ro trong nhiều ngân hàng ở VN rất cao. Nhiều ngân hàng hoạt động không đúng nội dung ngân hàng, chất lượng quản trị rất kém. Huy động mười đồng xài chín đồng rưỡi thì làm sao an toàn được.

Thu 6.900 tỉ đồng, mới chi 18,8 tỉ. Ông Hùng cho rằng bảo hiểm phải đánh giá mức độ rủi ro của từng ngân hàng, không thể đánh đồng vàng thau lẫn lộn. Phí bảo hiểm tiền gửi áp một mức đồng hạng với mọi tổ chức tiền gửi là không hợp lý. “Tôi đề nghị áp dụng mức phí dựa trên mức độ rủi ro của mỗi ngân hàng, các tiêu chí đưa ra phải định lượng, minh bạch” - ông nói.

Là chuyên gia về tài chính ngân hàng, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng rất nhiều người dân VN vẫn đang ngộ nhận gửi tiền vào ngân hàng là tuyệt đối an toàn, ngay cả khi phá sản Nhà nước cũng có trách nhiệm. Tuy nhiên, thực tế quy định đã rõ khi gửi tiền mà ngân hàng phá sản, người VN chỉ được bảo hiểm chi trả tối đa 50 triệu đồng. Đây chính là thực tế cần cảnh báo.
Ngân hàng lời nhiều, họ hưởng, nhưng ngân hàng phá sản thì dân chịu. Theo ông Ngân, ở các nước, Luật bảo hiểm tiền gửi thường xuất hiện sau khủng hoảng tài chính với nhu cầu bảo vệ người dân gửi tiền.

VN từ năm 1999 đã có nghị định về bảo hiểm tiền gửi, đến cuối năm 2010 tổ chức bảo hiểm tiền gửi đã thu được số phí khoảng 6.900 tỉ đồng. Số tiền trên thực tế là quá bé nhỏ nếu một ngân hàng phá sản vì tài sản ngân hàng dù nhỏ cũng ít nhất 10.000 tỉ đồng. Hiện bảo hiểm tiền gửi VN mới chi tiền bảo hiểm cho người dân khi một số quỹ tín dụng nhân dân phá sản, mức chi mới khoảng 18,8 tỉ đồng.

Cũng không đồng tình mức chi trả bảo hiểm tối đa 50 triệu đồng, ông Phạm Huy Hùng bình luận rằng: “Tôi gửi 100 tỉ mà nhận bảo hiểm 50 triệu thì khác nào tiền mua gạo, mua rau”. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói quy định mức bảo hiểm như vậy thì người có tiền lại phải chia làm nhiều gói để các thành viên trong gia đình đứng tên và gửi nhiều ngân hàng.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho biết ở Mỹ mức chi trả là 200.000 USD, ở Hàn Quốc chi trả tương đương khoảng 2 tỉ đồng VN. Ông Ngân thì cho hay ở nhiều nước người ta quy định mức này gấp 5-10 lần GDP bình quân.

Luật lo cho dân không bao nhiêu

Ông Phạm Quang Nghị ủng hộ việc chống đôla hóa nhưng băn khoăn vì trong điều kiện thực tế đồng VN không phải là phương tiện thanh toán quốc tế, vì vậy nếu từ chối bảo hiểm các đồng tiền khác thì rất khó thu hút ngoại tệ. Trong xã hội có người có thu nhập từ USD, không thích đổi ra tiền VN, không bảo hiểm thì cho vào két cất đi, như vậy Nhà nước không thu hút được đồng ngoại tệ.
Ông Ngân bình luận: “Dự luật làm thế vì muốn chống đôla hóa, muốn dân chuyển USD sang tiền đồng rồi mới gửi. Nhưng quan trọng nhất là phải làm sao để dân tin, không dùng USD nữa. Hiện tổng số tiền bằng ngoại tệ người VN đang gửi khoảng trên 10 tỉ USD. Nếu không bảo hiểm, dân rút ra có căng thẳng không?”.

Nhìn ở góc độ tiện ích, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) phân tích: “Nếu việc mua bán USD của ngân hàng thuận tiện thì người dân sẵn sàng. Ví dụ khi người dân cần USD mua phải dễ, khi bán cho ngân hàng thì phải bán giá thỏa thuận. Chứ bây giờ dân cần mua USD ra ngân hàng thì bảo không có, hoặc có thì bán theo tỉ giá áp đặt của ngân hàng”.

Ông Sơn cũng cho rằng quy định chỉ bảo hiểm tiền gửi cá nhân mà không bảo hiểm tiền gửi tổ chức, doanh nghiệp có thể làm phát sinh nhiều phức tạp khác vì tổ chức, doanh nghiệp sẽ rút tiền giao cho các cá nhân gửi. Đại biểu Trương Thị Ánh (TP.HCM) cho biết cảm nhận khi đọc dự luật chỉ thấy xây dựng thiết chế cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi chứ lo cho dân không thấy bao nhiêu. Người dân đi gửi tiền thì dễ, đem ra mỗi một cái thẻ, nhưng khi phải nhận bảo hiểm tiền gửi thì phải qua bao nhiêu thủ tục. Bà Ánh đề nghị phải làm rõ, đơn giản hóa các thủ tục để luật thật sự lo cho dân.
Tag :    ,
Hỗ trợ trực tuyến
Tư vấn trực tuyến
Tư vấn trực tuyến
Hỗ trợ khách hàng
Hỗ trợ khách hàng
Tập Đoàn Đầu Tư Phát Triển Hà Nội
Trụ Sở:445 Đội-Ba Đình -Hà Nội Việt Nam
Điện Thoại:(84.4) 3.7674450-(84.4) 3.7674452.FAX:(84.4) 3.7674451.
WebSite: hanoigroup.org.vn. Email:info@hanoigroup.org.vn.

OWF 4.9.6 Developed by INGA Co.,Ltd.
Lên đầu trang